Nhằm tăng cường hợp tác trong nghiên cứu giữa Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR), chiều ngày 21/02/2022 trên trên nền tảng ZOOM, Khoa Kinh tế và PTNT tổ chức Seminar trực tuyến với chủ đề “Hợp tác nghiên cứu phát triển nông nghiệp Việt Nam - ACIAR. Diễn giả là Bà Nguyễn Thị Thanh An – Trưởng đại diện ACIAR tại Việt Nam, TS. La Nguyễn (Tổ chức Nông Lâm thế giới - ICRAF) và TS. Nguyễn Phi Hùng (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông lâm Tây Bắc, Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.

Tham dự buổi seminar có Ban chủ nhiệm Khoa Kinh tế và PTNT: PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền – Trưởng Khoa, PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng – Phó trưởng Khoa và TS. Nguyễn Hữu Nhuần – Phó trưởng Khoa, cùng với sự tham dự của đông đảo đại biểu đến các trường đại học (Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh…), các viện nghiên cứu nông nghiệp và doanh nghiệp cùng đông đảo cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của Khoa. TS. Nguyễn Hữu Nhuần - một nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và thực hiện các dự án về nông nghiệp và phát triển nông thôn trong nước và hợp tác quốc tế điều hành phiên Seminar. Mở đầu buổi seminar, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền giới thiệu về hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa Kinh tế & PTNT và nhấn mạnh những thành tựu nghiên cứu từ hợp tác giữa các nhà khoa học của Khoa Kinh tế & PTNT và ACIAR cũng như định hướng nghiên cứu của Khoa trong thời gian tới.

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền, giới thiệu về hoạt động NCKH và HTQT của Khoa Kinh tế và PTNT

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh An đã trình bày một số kết quả của các dự án ACIAR tại Việt Nam và chia sẻ chiến lược 10 năm (2017-2027) hợp tác ACIAR – Việt Nam với trọng tâm về nông lâm, ngư nghiệp tập trung tại 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Theo Chiến lược này, sáu lĩnh vực nghiên cứu sẽ tạo thành cơ sở hợp tác nghiên cứu đến năm 2027. Các lĩnh vực nghiên cứu này sẽ chỉ ra phương hướng cho hợp tác nghiên cứu. Tuy nhiên, có thể không phải tất cả các ưu tiên được xác định ở đây đều được tài trợ: i) An toàn vệ sinh thực phẩm; ii) Biến đổi khí hậu; iii) Cải thiện độ phì nhiêu của đất và hiệu quả của các hệ thống trồng trọt và trồng trọt kết hợp chăn nuôi; iv) Nâng cao hiểu biết về thị trường, tiếp cận thị trường, nâng cao kỹ năng phân tích chính sách; v) Nâng cao giá trị các sản phẩm lâm nghiệp; vi) Nuôi trồng thủy sản. Xuyên suốt tất cả các hợp tác nghiên cứu được đề cập trong các lĩnh vực nghiên cứu kể trên, cả hai phía sẽ cam kết thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ, bao gồm cả phụ nữ dân tộc thiểu số.

Bà Nguyễn Thị Thanh An trình bày Chiến lược hợp nghiên cứu của ACIAR giai đoạn 2017 - 2027

Bên cạnh những chia sẻ về thành tựu và cơ hội hợp tác nghiên cứu giữa hai bên, kết quả nghiên cứu của một số dự án do ACIAR tài trợ cũng được chia sẻ và thảo luận. TS. Nguyễn Phi Hùng – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông lâm nghiệp Tây Bắc cũng chia sẻ về phát triển công nghệ cung ứng theo chuỗi lạnh cho các hộ sản xuất nhỏ. Xuất phát từ 2 dự án được tài trợ bởi ACIAR nhằm tằng cường sản xuất và liên kết thị trường sản phẩm rau an toàn tại Mộc Châu, dự án Aus4Innovation đã xác nhận được những khó khăn trong công tác bảo quản và vận chuyển sản phẩm nông nghiệp từ vùng dự án tới các chuỗi siêu thị, cửa hàng chất lượng cao tại thị trường Hà Nội. Để giải quyết vấn đề này, giải pháp công nghệ được áp dụng trong dự án là CoolBot – được phát triển bởi đại học UC Davis - đảm bảo được yếu tố nhỏ gọn, chi phí đầu tư thấp dành cho các nông hộ nhỏ. Sau quá trình thử nghiệm, mô hình đã thu được một số thành công nhất định khi giảm thiểu đáng kể được mức độ hao hụt của sản phẩm sau thu hoạch và gia tăng thời gian bảo quản đối với các sản phẩm này.

TS. Nguyễn Phi Hùng trình bày về phát triển công nghệ cung ứng theo chuỗi lạnh cho các hộ sản xuất nhỏ

Tiếp đó, TS. La Nguyễn – Giám đốc Dự án Thúc đẩy Nông – lâm kết hợp theo hướng thị trường và phục hồi rừng cho Tây Bắc Việt Nam (2014-2021) đã chia sẻ hiệu quả của một số mô hình Nông lâm kết hợp trên đất dốc tại 3 tỉnh Tây Bắc Việt Nam: Sơn La, Điên Biện. Mặc dù khoản đầu tư ban đầu của các mô hình nông lâm kết hợp thường sẽ cao hơn nhiều so với các mô hình trồng độc canh, nhưng trong dài hạn, lợi ích thu được nhờ những mô hình nông lâm sẽ rất lớn, vừa có khả năng cải thiện sinh kế đồng thời duy trì và phát triển canh quan địa phương, đảm bảo đa dạng sinh học. Một số mô hình điển hình được giới thiệu trong khuôn khổ dự án đã mang lại kết quả bước đầu như: mô hình xen canh nhãn – ngô, mận – cà phê tại Sơn La, hay sơn tra – mận tại Điện Biên. TS. La Nguyễn cũng nhấn mạnh nhu cầu nghiên cứu về cơ chế thích ứng mô hình nông lâm kết hợp trong bối cảnh của nông dân để thúc đẩy mở rộng việc áp dụng những mô hình này trong tương lai.

TS. La Nguyễn trình bày kết quả bước đầu của dự án thúc đẩy nông lâm kết hợp tại vùng Tây Bắc

Các nhà khoa học của Khoa, Học viện cùng nhà nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu khác đã có những thảo luận sôi nổi cùng các diễn giả xoay quanh kết quả nghiên cứu của các dự án được chia sẻ. Đã có rất nhiều đề xuất được đưa ra cho các nghiên cứu khoa học tiếp theo. Đại diện ACIAR Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh An cũng đã chia sẻ tiềm năng cơ hội hợp tác nhiều bên giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các đối tác của ACIAR.

GS.TS. Đỗ Kim Chung, Học viện NNVN và các đại biểu tham dự và thảo luận tại phiên Seminar

Buổi Seminar đã diễn ra thành công với nhiều thông tin hữu ích cùng kết quả thảo luận về định hướng nghiên cứu, cơ hội hợp tác trong nghiên cứu phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Chủ tọa chương trình, TS. Nguyễn Hữu Nhuần đã tóm tắt lại các vấn đề chung và nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu với ACIAR, các địa phương để tiếp tục duy trì và tăng cường các tác động của các dự án nghiên cứu phát triển nông nghiệp trong đó có các dự án ACIAR tài trợ. Đại diện Khoa Kinh tế và PTNT, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền đã cảm ơn các diễn giả và quý vị đại biểu và đề xuất các hướng hợp tác nghiên cứu khoa học trong tương lai.

Trần Thế Cường, Khoa Kinh tế và PTNT