CHIẾN LƯỢC HỢP TÁC QUỐC TẾ ĐẾN NĂM 2030
1. Mục tiêu
Học viện nhanh chóng tiếp cận các nền giáo dục đại học và KHCN tiên tiến của thế giới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hoạt động KHCN theo hướng hiện đại; cập nhật, phát triển chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học theo chuẩn khu vực và quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; hợp tác phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức; góp phần hoàn thiện mô hình quản lý, nâng cao năng lực quản trị; và tăng cường cơ sở vật chất cho Học viện.
2. Các giải pháp chính
i. Xây dựng và thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế dài hạn, trung hạn và ngắn hạn của Học viện. Hoàn thiện Quy định về quản lý hoạt động hợp tác quốc tế của Học viện nhằm khuyến khích, tạo điều kiện các đơn vị/cá nhân tham gia hoạt động HTQT.
ii. Mở rộng quy mô đào tạo lưu học sinh nước ngoài. Đẩy mạnh liên kết đào tạo với nước ngoài đi đôi với việc giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng, định kỳ thực hiện kiểm định chất lượng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Mở rộng và phát triển các chương trình “tu nghiệp sinh” ở nước ngoài và trong nước.
iii. Đẩy mạnh tìm kiếm các chương trình, dự án HTQT về đào tạo, KHCN và phục vụ xã hội. Phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan và các cơ quan khác nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế; tích cực tham gia các chương trình hợp tác quốc tế của trung ương và địa phương.
iv. Tăng cường tìm kiếm nguồn học bổng phục vụ đào tạo cán bộ và người học.
v. Tăng cường trao đổi cán bộ và sinh viên với các cơ sở giáo dục đại học và KHCN trong khu vực và quốc tế
vi. Thường xuyên tổ chức và tạo điều kiện để cán bộ, người học tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế về giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; tham gia các tổ chức giáo dục, khoa học, mạng lưới, diễn đàn, hội nghề nghiệp khu vực và quốc tế.
vii. Thực hiện liên kết thư viện, trao đổi thông tin khoa học và công bố quốc tế.
viii. Tăng cường năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ và người học; hợp tác xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo chuyên môn bằng tiếng Anh có sự tham gia của giảng viên nước ngoài.
ix. Đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị và quảng bá quốc tế.
3. Kết quả dự kiến
i. Quy định về hoạt động hợp tác quốc tế được thường xuyên rà soát và cập nhật, phù hợp với điều kiện của Học viện và các văn bản pháp luật liên quan, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, đơn vị thực hiện tốt hoạt động hợp tác quốc tế.
Kế hoạch hợp tác quốc tế dài hạn, trung hạn, ngắn hạn của Học viện và các đơn vị chuyên môn được xây dựng, thực hiện phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước về hội nhập quốc tế trong đào tạo và KHCN. Đảm bảo chế độ báo cáo về HTQT.
ii. Quy mô đào tạo lưu học sinh nước ngoài tăng hàng năm. Đến 2020, có ít nhất 1% người học là lưu học sinh nước ngoài và khoảng 2% vào năm 2030.
Các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài được mở rộng và giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng, định kỳ thực hiện kiểm định chất lượng. Đến năm 2020 có 5 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài được thực hiện, 4 chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng theo chuẩn AUN-QA. Đến năm 2030 có ít nhất là 10 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài và 40% chương trình đào tạo của Học viện được kiểm định chất lượng theo chuẩn AUN-QA.
Các chương trình “tu nghiệp sinh” ở nước ngoài và trong nước được xây dựng và đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH theo hướng hội nhập. Hàng năm có ít nhất 300 sinh viên tham gia các chương trình “tu nghiệp sinh” ở trong và ngoài nước.
iii. Số chương trình, dự án HTQT do Học viện chủ trì và phối hợp thực hiện tăng 15-20% hàng năm. Đến 2030, có ít nhất 15% giảng viên/nghiên cứu viên của Học viện tham gia các chương trình, dự án HTQT.
iv. Số lượng cán bộ và người học được đào tạo nâng cao ở trong và ngoài nước, tăng 30% vào năm 2020 và 50% vào năm 2030.
v. Từ 2020, hàng năm có ít nhất 1% sinh viên tham gia các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế. Số lượt giảng viên nước ngoài đến tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại Học viện tăng lên 50% vào năm 2030; 2% giảng viên của Học viện tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở nước ngoài.
vi. Hàng năm số lượng hội nghị, hội thảo quốc tế được tổ chức tại Học viện tăng 5-10%; số lượt cán bộ Học viện tham dự các Hội thảo quốc tế ở nước ngoài tăng 10-20%;
Học viện tham gia ít nhất vào 15 tổ chức giáo dục/khoa học, mạng lưới, diễn đàn, hội nghề nghiệp khu vực và quốc tế vào năm 2030.
vii. Thư viện của Học viện tham gia vào các hiệp hội thư viện khu vực và quốc tế, thường xuyên trao đổi thông tin phục vụ cho hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ. Đến năm 2030, hàng năm có ít nhất 100 sản phẩm công trình hợp tác được công bố trên các tạp chí có uy tín ở nước ngoài và trong nước (trong đó 40% được công bố bằng tiếng Anh).
viii. Từ năm 2020, có 06 chương trình đào tạo chuyên môn bậc đại học và 2 chương trình sau đại học được dạy bằng tiếng Anh được triển khai. Đến năm 2030, các con số tương ứng này tăng lên tương ứng là 10 và 5.
Các chương trình, hoạt động quảng bá quốc tế được xây dựng và hoàn thiện hàng năm, trên cơ sở khai thác hiệu quả các phương tiện thông tin khác nhau (website, brochure, newsletter, tờ rơi, hội thảo...) để quảng bá Học viện đồng thời giới thiệu, tiếp thị các sản phẩm đào tạo, KHCN phục vụ xã hội.
(Trích trong Chiến lược phát triển Học viện Nông nghiệp Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 Ban hành kèm theo Quyết định số 4177 /QĐ-HVN ngày 24/12/2015 của Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam)